Điều đáng chú ý về tốc độ phát triển TMĐT những năm gần đây, người dân và doanh nghiệp đã quen dần và thích nghi nhanh chóng với các hoạt động giao dịch TMĐT, nhiều người đã bỏ được thói quen mua hàng, giao dịch truyền thống, tiếp xúc trực tiếp, thay vào đó là các giao dịch gián tiếp, qua sàn TMĐT, thông qua nền tảng số như facebook, zalo, youtube, messenger…; nhiều hợp đồng thương mại được thực hiện thông qua nền tảng giao tiếp trực tuyến hội nghị như zoom, google meet,… Nhìn chung, thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam cũng có những thay đổi tích cực. Từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, nay họ đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến. Xu thế mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu thế phổ biến trong dân cư, được lan rộng từ thành thị cho tới nông thôn, từ miền đồng bằng cho tới miền núi. Xúc tiến TMĐT đang dần trở thành trào lưu, các sản phẩm, hàng hóa không chỉ được giới thiệu, quảng bá trên các sàn TMĐT lớn mà còn cả những trang website của doanh nghiệp, cá nhân, cả nhà cung ứng, khách hàng, đối tác. Khoảng cách, không gian đã được thu hẹp, thay đổi mang lại sự tiện ích cho mọi đối tượng tham gia TMĐT.
Theo thống kê chưa đầy đủ, sự tăng trưởng này tiếp tục được duy trì và có tính bứt phá tốc độ hơn sau khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được khống chế và hoạt động kinh doanh, thương mại trở về trạng thái bình thường.
Về loại hàng hóa giao dịch trên trang TMĐT: Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam: Loại hình hàng hóa chủ yếu được mua nhiều nhất là: Thực phẩm (chiếm 52%); Quần áo, Giày dép và Mỹ phẩm (chiếm 43%); Thiết bị đồ dùng gia đình (chiếm 33%),… Phần lớn người được khảo sát (chiếm 63%) cho rằng lý do chính khiến họ quyết định lựa chọn website/ứng dụng để thực hiện giao dịch đến từ đánh giá từ những nguồn uy tín như bạn bè, người thân hoặc đánh giá trên mạng Internet (Hình 3).
Về phân đoạn thị trường: Thị trường TMĐT Việt Nam đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp xuất phát điểm là doanh nghiệp Việt Nam nhưng khi thành công được nước ngoài mua lại hoặc do pháp nhân nước ngoài nắm cổ phần chi phối.
Như vậy, trong 4 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay, có 3 sàn giao dịch TMĐT có vốn đầu tư nước ngoài. Việc chi phối thị trường của các sàn TMĐT nước ngoài thể hiện qua số lượt truy cập. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau lần lượt là Lazada, Tiki.
Về chính sách pháp luật: Thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành một số điều luật mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể theo quy định mới tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, thông tin về hàng hóa, dịch vụ đối với website TMĐT bán hàng phải được người cung cấp chi tiết. Nỗ lực này nhằm giảm thiểu những hành vi lừa đảo, bán đồ trái phép trên các trang thương mại điện tử, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe và nguy cơ thu thập thông tin trái phép trên mạng vẫn còn rất đáng kể.
Nhìn chung, tình hình phát triển TMĐT ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, số lượng, chất lượng, cơ cấu với tốc độ tăng trưởng cao, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, TMĐT ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, cần được tiếp tục hoàn thiện.
Từ thực trạng phát triển TMĐT ở Việt Nam, để tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển TMĐT trong tương lai, theo tác giả, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử.
TMĐT là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam. Tính phức tạp của công nghệ cũng như tính giao thoa giữa thực và ảo là 2 yếu tố thách thức những nhà hoạch địch chính sách xây dựng bộ khung pháp lý phù hợp, chặt chẽ. Do đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT và kinh tế số là một nội dung quan trọng cần được xác định để định hướng phát triển TMĐT trong tương lai. Trước hết, các chính sách, pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển TMĐT, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng tham gia TMĐT; tạo sân chơi, sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng; phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, phù hợp với công ước, hiệp định, quy định về tự do thương mại mà Việt Nam là thành viên, tham gia ký kết; tăng cường quản lý nhà nước về TMĐT, chủ động phòng ngừa gian lận thương mại, các hành vi tiêu cực, lừa đảo khách hàng trong TMĐT; chống thất thoát thuế; khuyến khích sự sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong hoạt động TMĐT; tiếp tục cải cách, đổi mới nền hành chính, công vụ hướng tới tạo dựng nền hành chính “liêm chính, kiến tạo và phục vụ”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin.
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng về tính bảo mật thông tin, việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ là điều cần thiết. Hạ tầng công nghệ thông tin tốt, cụ thể là tốc độ đường truyền sẽ giúp các giao dịch trên TMĐT thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện. Việc thực hiện này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, các Bộ, ngành và địa phương mới có thể tạo nên một hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ cho phát triển TMĐT trong tương lai. Tăng cường đầu tư công trong phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động TMĐT; khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động TMĐT, xây dựng hạ tầng cơ sở, công nghệ, kỹ thuật bảo đảm thích ứng với điều kiện phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về TMĐT, xu hướng, sự cần thiết phát triển TMĐT gắn liền với chuyển đổi số, số hóa, trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin; thường xuyên tiếp cận, cập nhật nền tảng công nghệ hiên đại, tiên tiến; Khuyến khích cải tiến, sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật TMĐT; xây dựng các chính sách bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các phát minh, sáng chế, tác quyền công nghệ, sản phẩm.
Thứ ba, về phía doanh nghiệp, tích cực nâng cao cải thiện uy tín thương hiệu và chất lượng dịch vụ sau khi người tiêu dùng mua hàng.
Đối với các doanh nghiệp, việc đầu tư vào những hoạt động hậu mãi sau bán hàng trên TMĐT sẽ đóng vai trò quan trọng đến việc khách hàng có quay lại và đánh giá tốt sản phẩm của doanh nghiệp trên trang TMĐT hay không, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới từ những đánh giá tích cực của những khách hàng trung thành. Nếu có thể tăng tỷ lệ khách hàng trung thành, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi trong TMĐT.
Thực tế cho thấy, TMĐT là một mô hình trao đổi, mua bán hàng hóa xuất hiện và phát triển tại Việt Nam vài năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn có rào cản nhất định như tính bảo mật thông tin khiến người tiêu dùng còn e ngại khi mua bán những sản phẩm trên TMĐT. Về phía Chính phủ, việc tiếp tục cải tiến và hoàn thiện khung pháp lý cho TMĐT vẫn là hành động cần thiết, nhằm tạo một môi trường lành mạnh cho cả người mua và người bán trên môi trường số, bên cạnh đó là cải thiện hạ tầng công nghệ, góp phần giúp những giao dịch mua bán trên TMĐT thuận lợi và dễ dàng hơn. Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm hơn đến những hoạt động chăm sóc khách hàng sau khi mua - bán trên các trang TMĐT để có thêm nhiều khách hàng trung thành giới thiệu những sản phẩm của doanh nghiệp đến những người xung quanh./.