Theo
các dự báo mới nhất, doanh thu Thương mại điện tử (Ecommerce) toàn cầu năm 2025
dự kiến tăng trưởng 70% so với năm 2020, đóng góp 24.5% vào doanh thu
bán lẻ toàn cầu so với mức 17.8% năm 2021. Tại châu Á, lượng người tiêu
dùng qua các kênh số tăng trưởng vượt mức mong đợi, tăng gấp 1,4 lần từ năm
2018. Dự báo đến năm 2025, trung bình người tiêu dùng kỹ thuật số sẽ chi tiêu
nhiều hơn 3,5 lần so với năm 2018.
Hình 1: Vai trò thúc đẩy kinh doanh của Thương mại điện tử
Đối với hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử mang lại những lợi thế rõ rệt cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hoạt động vận hành cũng như tăng trưởng kênh bán hàng thông qua một số yếu tố chính:
Tiết kiệm chi phí có thể coi là lợi ích lớn nhất của hình thức thương mại điện tử đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Các mô hình bán lẻ truyền thống đều đòi hỏi các chi phí ban đầu và chi phí vận hành lớn, ví dụ như bán lẻ dạng chuỗi đòi hỏi các yếu tố thuê và thiết kế mặt bằng, nhân viên, thiết bị bán hàng, kho bãi kèm theo,… hay mô hình bán hàng thông qua hệ thống nhà phân phối cũng yêu cầu các chi phí trung gian lớn cho hệ thống đại lý cấp một. Trong khi đó, thương mại điện tử không đòi hỏi các chi phí này, do vậy các chi tiêu về đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động có thể được tiết kiệm đáng kể.
Thu thập thông tin chi tiết về dữ liệu khách hàng
Với đặc thù các hoạt động tương tác, giao dịch đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp có ưu thế vượt trội so với hình thức thương mại truyền thống trong việc có được các thông tin nhu cầu, thói quen, mong muốn tiêu dùng, ý kiến phản hồi về sản phẩm,… của khách hàng.
Các dữ liệu này được coi như mỏ vàng cho các doanh nghiệp trong việc phân tích và đưa ra các điều chỉnh kịp thời nhằm mang lại các trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, từ đó nâng cao khả năng thu hút khách hàng mới cũng như tăng mức độ gắn bó của khách hàng sẵn có.
Tiếp cận khách hàng mới dễ dàng
Theo thói quen hiện, trên 80% người dùng Internet tìm kiếm các thông tin về sản phẩm định mua, thực hiện kiểm tra hàng, so sánh dịch vụ,… thông qua các kênh trực tuyến trước khi ra quyết định mua hàng.
Xu hướng này giúp các nhà bán lẻ trực tuyến dễ dàng đẩy mạnh các thông điệp quảng cáo tới người tiêu dùng thông qua các kênh tìm kiếm, mạng xã hội. Bên cạnh đó, với đặc thù là kênh bán hàng không biên giới, thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận với tập khách hàng tiềm năng rộng lớn không phụ thuộc vị trí địa lý, qua đó nâng cao cơ hội gia tăng khách hàng mới cho doanh nghiệp.
Tối ưu hoạt động bán hàng
Gian hàng thương mại điện tử không bị giới hạn thời gian mở cửa như các cửa hàng truyền thống, cho phép doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận thông qua tăng thời gian bán hàng, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận với những khách hàng quá bận rộn để mua sắm trong giờ mở cửa thông thường của cửa hàng truyền thống.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng của thương mại điện tử
Hình 2: Ảnh minh hoạ người dùng mua sắm trên sàn thương mại điện tử
Bên cạnh vai trò thúc đẩy kinh doanh, thương mại điện tử cũng là yếu tố giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua việc đảm bảo khách hàng có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết một cách thuận tiện nhất và không cần tốn thời gian, chi phí đi lại. Đây có lẽ là một trong những lợi thế lớn nhất của mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng có thể kể tới như:
Thương mại điện tử cho phép khách hàng lựa chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ mong muốn từ bất kỳ nhà cung cấp nào, ở bất kỳ đâu và không phụ thuộc vào thời gian hoạt động cửa hàng, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như vị trí, thời tiết, sức khỏe,…
Hoạt động thanh toán cho các đơn hàng cũng có thể thực hiện hoàn toàn thông qua các thẻ thanh toán trực tuyến nhanh chóng và tiện lợi. Như vậy, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn và các thao tác mua sắm trở nên đơn giản, thoải mái hơn so với việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống.
Tiết kiệm chi phí và thời gian mua sắm
Các sản phẩm được mua sắm thông qua kênh Ecommerce thường có giá rẻ hơn so với các sản phẩm từ cửa hàng do tiết kiệm các chi phí mặt bằng và chi phí bán hàng. Do vậy người mua hàng có thể tiết kiệm một khoản đáng kể từ mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng có thể tìm mua sản phẩm một cách dễ dàng, kiểm tra thông tin và mua sắm món hàng tại thời điểm họ cần mà không mất thời gian di chuyển hay tìm kiếm tại các kênh truyền thống.
Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin sản phẩm, so sánh các yếu tố giá cả, lợi ích trước khi đưa ra các quyết định mua hàng. Thông tin sản phẩm như hình dạng, màu sắc, thông số, bảo hành,… được hiển thị trực quan và rõ ràng thông qua các bản mô tả cũng như video, hình ảnh giới thiệu sản phẩm.
Việc so sánh giá cả và lợi ích cũng được thực hiện một cách dễ dàng thông qua sự hỗ trợ của các sàn thương mại điện tử cũng như các website chuyên biệt. Các thông tin này giúp người mua hàng có đánh giá đầy đủ về các điều kiện trước khi mua hàng, giảm thiếu các tranh chấp có thể có xuống mức tối thiểu.
Tương lai của Thương mại điện tử
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á với thống kê tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến đạt 41%, cao nhất trong nhóm các quốc gia phát triển tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Với mô hình thương mại này, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh trong giai đoạn trung và dài hạn nhờ dân số trẻ, lượng người sử dụng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada,… và thói quen giao dịch thương mại điện tử trên smartphone ngày càng trở nên phổ biến.
Để tận dụng tốt nhất xu hướng này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng nền tảng vận hành kinh doanh vững mạnh, xây dựng chiến lược áp dụng công nghệ số hỗ trợ cho việc triển khai thương mại điện tử thành công./.